Giải mã trắc nghiệm năng lực trí tuệ thông minh – Chìa khóa để định hướng nghề nghiệp

08/03/2022

Trong Hành trình hướng nghiệp của Đại học Nguyễn Trãi, các học sinh được thực hiện Trắc nghiệm năng lực trí tuệ nhằm khám phá trí thông minh nổi trội tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Bài trắc nghiệm này được ra đời dựa trên lý thuyết trí tuệ đa nhân tố (Theory of Multiple Intelligences) cuả Howard Gardner (GS. Tâm lý học, Đại học Harvard). 

Tổng kết sau quá trình khảo sát thực nghiệm trên rất nhiều công trình nghiên cứu, Howard Gardner đã cho ra đời lý thuyết Trí tuệ đa nhân tố. Ông cho rằng: não bộ đã tạo ra các hệ thống riêng biệt cho những năng lực tương ứng khác nhau, được gọi là “các năng lực trí tuệ”. Theo tác giả, một người có thể sở hữu một vài hoặc toàn bộ các loại năng lực này. Một dạng kỹ năng và kỹ xảo của con người có khi không huy động hết mọi dạng năng lực trí tuệ đó. Năm 1983, ông công bố lý thuyết Trí tuệ đa nhân tố với 7 năng lực trí tuệ khác nhau cùng tồn tại trong một con người.

Bảy năng lực trí tuệ cùng tồn tại, tuy nhiên trong mỗi cá nhân lại phát triển một hoặc một vài loại năng lực nổi trội, định hình suy nghĩ, hoạt động của họ.

(1) Năng lực trí tuệ ngôn ngữ (Linguistic Intellgence): Giỏi làm việc với các con chữ
Trí thông minh giúp con người nhạy cảm và thông minh trong sử dụng từ ngữ, ưa thích sáng tạo các tầng ý nghĩa của câu chữ. Trí thông minh này bao gồm cả khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả để thể hiện bản thân bằng hùng biện hoặc qua thi ca; hoặc có thể dùng ngôn ngữ để nhớ thông tin.

(2) Năng lực trí tuệ logic – Toán học (Logical- Mathematical Intelligence):  Giỏi làm việc với các con số
Đây là khái niệm được nói đến nhiều nhất. Năng lực này được thể hiện ở các khả năng như tính toán, phân tíc, tổng hợp và nhận định, khả năng phát hiện, suy diễn ra các trình tự, lý lẽ, cách tư duy theo dạng nguyên nhân – kết quả. Trí thông minh này có mối liên quan chặt chẽ với những ý tưởng khoa học và toán học, khả năng sáng tạo các giả thuyết, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc dựa trên các khái niệm, đồng thời ưa thích các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống nói chung.

(3) Năng lực trí tuệ âm nhạc (Musical Intelligence):Giỏi làm việc với các tổ hợp âm thanh
Trí thông minh âm nhạc là những người có kỹ năng biểu diễn, sáng tác, cảm nhận âm nhạc. Loại trí thông minh này giúp chúng ta thúc đẩy khả năng nhận biết và sáng tác âm điệu, cao độ, nhịp điệu và còn đi đôi song song với khả năng về ngôn ngữ. Ngoài ra, trí thông minh về âm nhạc còn có trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào, miễn là người đó có khả năng nghe tốt, có thể hát theo giai điệu, biết dành thời gian cho âm nhạc và nghe được nhiều tiết mục âm nhạc khác nhau với sự chính xác và sáng suốt của các giác quan.

(4) Năng lực trí tuệ thể chất – tri giác vận động (Body-Kinesthetic Intelligence): Giỏi làm việc với các bộ phận cơ thể

Cá nhân thuộc nhóm này có khả năng sử dụng cơ thể hoặc một phần cơ thể để giải quyết vấn đề, bao gồm cả khả năng của trí não điều khiển các hoạt động đó.

(5) Trí thông minh không gian – thị giác (Spantial and Visual Intelligence): Giỏi làm việc với các vật thể, không gian

Nhóm trí tuệ giúp con người nhận thức cao về thị giác và không gian; có khả năng diễn giải, sáng tạo, biểu đạt và tưởng tượng về hình ảnh; Hiểu được mối quan hệ giữa hình ảnh và ý nghĩa, giữa không gian và hiệu ứng.

(6) Trí thông minh tương tác – giao tiếp (Interpersonal Intelligence): Giỏi làm việc với người khác

Trí thông minh này tạo ra khả năng đồng cảm và nhận thức cao về cảm xúc của người khác. Giải thích được hành vi và sự giao tiếp; Hiểu được mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh của họ, có năng lực hiểu và làm việc được với những người khác.

(7)Trí thông minh hướng nội (Intrapersonal Intelligence): Giỏi làm việc với chính mình

Năng lực trí tuệ này bao gồm những khả năng đánh giá cảm xúc của bản thân mình, năng lực phân biệt giữa các cảm xúc ấy và đưa chúng vào hướng dẫn hành vi: sự hiểu biết về những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình, về những thèm muốn và trí thông minh của mình.

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, các nhà giáo dục đã ứng dụng rộng rãi lý thuyết này vào quá trình dạy học của mình trên khắp nước Mĩ và nhiều nước khác, nhằm giúp cho kết quả của quá trình giáo dục đạt hiệu quả cao. Mặt khác, lý thuyết này cũng giúp cho các nhà giáo dục thực hành (phụ huynh học sinh, giáo viên) thấy được thế mạnh của từng loại năng lực trí tuệ trong từng cá nhân học sinh và con em mình, để không đòi hỏi cái mà cá nhân đó không thể có, và giúp cho học sinh dưới tác động của giáo dục có thể phát huy tối đa năng lực trí tuệ nổi trội của mình.

Trên thực tế, việc sở hữu những dạng trí tuệ nổi trội cũng chi phối rất lớn đến đặc trưng tính cách, suy nghĩ và hành động của một người. Theo đó, những người sở hữu các dạng năng lực khác nhau sẽ thích hợp với những lĩnh vực công việc đặc thù. Việc hiểu rõ trí thông minh nổi trội của bản thân cũng là một cơ sở quan trọng để học sinh có thể lựa chọn ngành học và nghề nghiệp phù hợp, phát huy tối đa năng lực của mình. Với mong muốn các em học sinh có thể đưa ra lựa chọn nghề nghiệp dựa trên nền tảng toàn diện “hiểu mình – hiểu thời – hiểu nghề”, Đại học Nguyễn Trãi đã đưa bài trắc nghiệm trên vào mô hình hướng nghiệp tại các trường THPT.