Học ngành Tài chính – Ngân hàng ở đâu để không thất nghiệp?

08/03/2022

TS.Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng NTU chia sẻ với các bạn tân sinh viên cùng những thí sinh còn đang băn khoăn lựa chọn hướng đi cho mình, về những đổi mới của chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng năm 2015 tại Nhà trường.

thay Tung1

TS.Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng NTU

PV: Là một người có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, Thầy có thể nhận xét về tình hình nhân sự của ngành Tài chính – Ngân hàng hiện nay?

TS.Nguyễn Thanh Tùng: Tài chính – Ngân hàng luôn luôn là ngành “Hot” nhất về nhân sự . Là ngành có môi trường làm việc cạnh tranh và áp lực rất cao, đương nhiên là một trong những ngành có sức hút nhân sự nhất hiện nay .

Đây cũng là ngành đòi hỏi cao về chất lượng nhân sự, từ chuyên môn tới kỹ năng làm việc. Yêu cầu cao về Đạo đức nghề nghiệp, tính cam kết, kỷ luật và tuân thủ…

Có thể nói về tình hình nhân sự hiện nay của ngành Tài chính – Ngân hàng là đang rất thiếu nhân sự có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc.

PV: Khoa Tài chính – Ngân hàng NTU đã và đang làm gì để giúp các sinh viên ra trường sớm tìm được việc làm?

TS.Nguyễn Thanh Tùng: Khoa Tài chính – Ngân hàng NTU đã tiến hành định vị 12 vị trí công việc chính trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, là những vị trí cốt lõi trong hoạt động ngân hàng và tài chính.

Những vị trí này thu hút nhiều nhân sự nhất và được mô tả lộ trình thăng tiến rõ nhất. Chúng tôi đã nghiên cứu và mô tả kỹ lưỡng yêu cầu của 12 vị trí công việc này. Trên cơ sở đó, đã xây dựng phương pháp giảng dạy và chương trình học mang tính thực hành, ứng dụng thực tế. Chắc chắn sẽ hấp dẫn việc học tập và nếu sinh viên viên đáp ứng tốt thì sẽ đảm bảo khả năng làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

Cụ thể với chương trình học, khối lượng kiến thức lý thuyết cơ bản được rút gọn hơn, kiến thức chuyên ngành được giảng dạy sớm. Đặc biệt chúng tôi đã bổ sung   tới 11 môn học về nghiệp vụ thực tế hiện nay. Như vậy các em sẽ vừa đảm bảo được tính hệ thống trong nghiên cứu học tập, lại vừa đảm bảo được học nghiệp vụ thực tế ngay.

Chương trình học đảm bảo được tỷ lệ 30% học tập kiến thức lý thuyết về nghiệp vụ tại trường, 70% là học tập nghiệp vụ thực tế và thực tập tại các ngân hàng lớn, các doanh nghiệp. Đảm bảo ngay từ năm thứ nhất các em được tiếp xúc với thực tế.

Về phương pháp học tập cũng có những thay đổi theo hướng hiện đại. Các em được tiếp cận theo phương pháp mới là giảng dạy và học tập theo phong cách dự án, bố trí theo các chủ đề và chương trình học. Với phương pháp này các em sẽ chủ động tham gia vào các chủ đề học tập, tránh được phương pháp dạy và học thụ động như trước đây.  

Bắt đầu từ K15 tức là năm nay, sinh viên Tài chính Ngân hàng sẽ tham gia vào các buổi giảng chuyên ngành theo hướng mở. Các em sẽ tham gia vào các dự án mô phỏng doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, ngân hàng và đóng vai các vị trí công việc của chính các nơi mà các em sau này.

Về giảng viên, chúng tôi chủ trương mời nhiều giảng viên là lãnh đạo, chuyên gia đang làm việc tại các ngân hàng và doanh nghiệp về giảng dạy cho các em. Chính các giảng viên này đã tham gia vào xây dựng chương trình học cho các em, nay lại trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và đánh giá các em.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang xây dựng một thư viện điện tử về học liệu và giáo trình tài liệu. Sinh viên của Khoa được cấp username và password để có thể truy cập và nghiên cứu trước. Các buổi học tại giảng đường chủ yếu tập trung vào việc dạy kiến thức chuyên ngành, giải đáp và nghiệp vụ thực tế cho các em.

Ngoài ra, trong suốt quá trình học từ năm nhất cho tới khi ra trường, các em sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực tế, kỹ năng mềm bằng các khóa học dạy về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, văn hóa doanh nghiệp, làm việc nhóm, thậm chí cả mô hình doanh nghiệp và kỹ năng lãnh đạo.

PV: Nhiều học sinh THPT khi tìm hiểu thông tin về khoa Tài chính – Ngân hàng NTU thắc mắc về vấn đề  hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Thầy có thể nói rõ hơn về điều này ?

TS.Nguyễn Thanh Tùng: Chúng tôi đang triển khai tích cực mô hình đào tạo nhà trường gắn liền với doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, ngoài việc sinh viên được tiếp xúc với kiến thức thực tế ngay từ năm thứ nhất tại các doanh nghiệp, ngân hàng … thì cơ hội việc làm đối với sinh viên được mở ra rộng và từ sớm.
Khả năng làm được việc của sinh viên NTU nói chung và sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng nói riêng là rất sớm, có thể nói là ngay từ khi hết năm học đầu tiên các em đã có thể làm được những công việc nghiệp vụ đơn giản tại doanh nghiệp.

Nhà trường và khoa có bộ phận hỗ trợ việc làm cho sinh viên giúp các em kết nối với doanh nghiệp vừa hỗ trợ sinh viên có những cơ hội nghề nghiệp. Khoa Tài chính ngân hàng cũng là đầu mối về dự án Hệ sinh thái Khởi nghiệp liên kết giữa NTU và Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây cũng là điều kiện tốt để trang bị cho các em kiến thức và hành trang vào đời cho các em ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Vẫn phải nhấn mạnh về khía cạnh đào tạo. Chúng tôi quyết tâm đào tạo các sinh viên có năng lực làm việc thực tế, đáp ứng và phù hợp với nhu cầu xã hội.

PV: Năm học 2015 – 2016, NTU sẽ mở rộng mô hình đào gắn với doanh nghiệp giúp sinh viên thực tập, làm việc ngay từ năm thứ nhất. Với mô hình đào tạo vừa học vừa làm này, liệu có đảm bảo được chương trình học của Bộ GD&ĐT không?

TS.Nguyễn Thanh Tùng: Chúng tôi đã có những tính toán thời khóa biểu hợp lý để đảm bảo việc đi làm thêm (nếu có) của sinh viên ngay từ năm thứ nhất, chủ yếu là mang tính tìm hiểu thực tế và thực hành. Trong khuôn khổ nội dung hợp tác được ký kết giữ NTU và các Ngân hàng, doanh nghiệp vừa qua chúng tôi cũng lưu ý tới nội dung này để đảm bảo việc đi thực tế, đi làm thêm không ảnh hưởng tới lịch trình học tập cũng như thời gian nghiên cứu của các em.

Việc đi làm ngay từ năm thứ nhất là rất tốt và tạo cho các em một tư duy khởi nghiệp từ sớm. Cùng với chương trình và phương pháp học tập được cải tiến như hiện nay chắc chắn sẽ mang lại cho các em sinh viên NTU nói chung và sinh viên khoa Tài chính Ngân hàng nói riêng sẽ có được tư duy duy ứng dụng kiến thức học tập vào thực tế từ sớm, tránh được việc học quá tập trung vào lý thuyết mà thiếu đi trải nghiệm thực tế.

PV: Trân trọng cảm ơn Thầy!

NTU