Viết tiếp giấc mơ cho người thầy tật nguyền Phùng Văn Trường

08/03/2022

Ngày 1/4/2018, giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi – thầy và trò trường Đại học Nguyễn Trãi tìm đến được ngôi nhà của thầy giáo tật nguyền Phùng Văn Trường tại Nhân Lý –  Nam Phương Tiến – Chương Mỹ – Hà Nội. Ngôi nhà căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, trên chiếc xe lăn, anh Phùng Văn Trường vẫn đang cắm cụi phân loại những đầu sách.

Anh Trường là con cả trong gia đình có 5 anh chị em, mới 2 tuổi anh đã bắt đầu có dấu hiệu của bệnh teo cơ. Từ đó mọi sinh hoạt, đi lại đều được bố mẹ và người thân giúp đỡ.

Con đường đến trường của anh gắn liền với tấm lưng của cha mẹ, gắn liền với đôi tay của bạn bè. Dù vậy Trường vẫn nỗ lực đến trường và 8 năm liền, năm nào anh cũng đạt học sinh giỏi. Cậu bé Trường ngày một lớn lên nhưng chân tay cứ nhỏ dần. Thương bố mẹ vất vả, ngại bạn bè, trường học bị chuyển đi cách nhà hơn 10km, anh đành ngậm ngùi nghỉ học. Niềm đam mê học giống như một ngọn lửa âm ỉ cháy, thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. Một lần, qua chương trình phát thanh trên đài, Trường bất chợt nghe được câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và tài “viết chữ bằng chân” của thầy, anh ngưỡng mộ vô cùng. Lúc đó, anh tự nhủ, thầy Ký làm được thì mình cũng làm được. Tự đặt quyết tâm, anh Trường nhờ người thân mua giúp sách về học và tập viết chữ từ đây.

Trăn trở tìm cách cầm bút bằng chân, tay, anh đi từ hy vọng này đến thất vọng khác. Cuối cùng, anh nghĩ đến phương án dùng miệng viết chữ. Thời gian đầu, anh chỉ thao tác bằng chiếc bút chì ngắn, nét chữ còn nguệch ngoạc, thậm chí không thành hình thù. Chưa kể, sau mỗi lần ngậm bút, miệng anh mỏi rã rời, hai hàm cứng ngắc, khó đóng miệng. Không nản chí, anh tiếp tục tập luyện cho đến khi có thể viết thành thạo.

Hằng ngày, sau giờ đến trường, những đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 trong làng lại được bố mẹ chở đến nhà “thầy Trường” học viết chữ đẹp. Dù không qua một khóa học nghiệp vụ sư phạm nào nhưng thầy Trường vẫn tự tay soạn giáo án, bài giảng, viết chữ và phép tính cộng, trừ, nhân, chia vào những quyển sách đã ghi tên từng em nhỏ.

 

Anh tâm sự: “Viết được bằng miệng đã khó, viết đẹp thì quả là khó lắm. Muốn đẹp thì phải lái được bút, căn li chuẩn, hầu hết cơ mặt phải làm việc”. Cuối cùng thì những hàng chữ đẹp như in được anh cho ra đời. Người làng nhìn ai cũng trầm trồ, họ khen chữ một nhưng khen nghị lực của anh Trường mười. Lớp luyện chữ đẹp của một người thầy nghị lực được bắt đầu từ đó.

 

Như đồng cảm, xót xa trước nghị lực vươn lên của người thầy giáo tật nguyền, Thầy Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trưởng  trường Đại học Nguyễn Trãi đã tìm đến tận nơi, như muốn tiếp thêm lửa, thêm động lực cho Trường. Những điều đơn sơ mà thiết thực chính là những món quà quý giá nhất mà Thầy Luận dành tặng cho anh Trường. Những chiếc bàn ghế xộc xệch, sứt mẻ, chiếc giá sách đóng bằng gỗ mục nay lại được thay bằng những chiếc bàn mới, chiếc giá sách mới, hiện đại… Nghĩ đến đó thôi, trong mắt anh Trường như sáng lên.

Thầy Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trường trường Đại học Nguyễn Trãi tới thăm anh Trường

Chia tay anh Trường mà chúng tôi chẳng thể quên ánh mắt hạnh phúc khi anh luyện chữ cho đám trẻ. Thầy giáo làng đầy nghị lực ấy đang thắp lên niềm hy vọng cho tương lai của chính mình. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp bản thân mình vươn lên, sống đẹp hơn mà nó còn là tấm gương cho thế hệ sau nơi thôn quê ấy noi theo.

Một em nhỏ cùng tủ sách của thầy giáo Phùng Văn Trường