Những mảnh đời trên cát trắng

08/03/2022

Lũ qua rồi nhưng hậu quả của nó thì không biết bao giờ mới hết, những cơn “lũ đời” vẫn  cứ vây quanh lấy những con người nhỏ bé trên miền cát trắng Quảng Bình. Trong lúc cả dân tộc đang hướng về “Miền trung ruột thịt”, chúng tôi và những người bạn từ Tập đoàn Daejin của Hàn Quốc cũng mang lòng mình về với miền đất của nắng và gió.

tin6

Cơn lũ đi qua và những gì còn sót lại...

Gần 11 giờ di chuyển từ Hà Nội, rốn lũ Lệ Thủy dần hiện ra trước mắt chúng tôi, đó là “một vùng đất thấp” và nước vẫn còn phủ trắng xóa trên những cánh đồng. Các thành viên chẳng ai nói với ai mà cứ lẳng lặng quan sát, tôi hiểu trong lòng họ đang nghĩ gì. Xe của Đoàn dừng tại trụ sở UBND huyện Lệ Thủy, trong sân rất đông các bà con đang chờ đợi,  một sinh viên tình nguyện chạy lên cho chúng tôi biết đây là những người có hoàn cảnh khó khăn nhất huyện, vừa trải qua trận chồng lũ lịch sử. Chúng tôi vội xuống xe tiến gần lại cúi đầu chào mọi người, những ánh mắt đậm tình của người xứ Quảng, sự khắc khổ hiện trên khuôn mặt của từng người dân, họ không cười và chỉ gật đầu nhè nhẹ…cười sao được với những nỗi đau chưa qua. Sau vài phút ngắn ngủi làm thủ tục với huyện, chúng tôi bắt đầu phát từng phần quà gồm những con giống, vật nuôi, hạt cây trồng…mang niềm hi vọng sẽ giúp bà con khôi phục sản xuất.

tin5

Những con giống, vật nuôi, hạt cây trồng…giúp bà con khôi phục sản xuất

Đang tích cực phát quà, tôi ngẩng lên thấy một bà cụ tóc đã bạc, di chuyển chầm chậm lên phía sân, tôi hỏi anh cán bộ bên cạnh, anh cho biết “Mẹ lên để nhận quà đó, Mẹ khó khăn lắm chú ạ”. Tôi và một sinh viên đỡ Mẹ lên để đoàn phát quà cho Mẹ trước, nắng quá, em sinh viên lấy vội chiếc mũ của trường đội vào cho Mẹ. Mẹ cũng chẳng còn đủ sức để mang quà mà ban tổ chức phát, tôi đỡ cho mẹ mà lòng “nặng trĩu”. “Cám ơn con nha”, lời Mẹ nói trước khi các sinh viên tình nguyện Lệ Thủy giúp đỡ Mẹ khuất dần trong đám đông bà con đang chờ tới lượt. Một cảm giác rất khó diễn tả và khó cầm lòng với những ai còn Mẹ.

Câu chuyện về số phận của “Những mảnh đời trên cát trắng” mới thực sự bắt đầu…

Sau khi phát quà, được sự hướng dẫn của chính quyền huyện Lệ Thủy, chúng tôi vội vã lên xe để đến một xã với cái tên rất lạ và nhiều suy ngẫm “Ngư Thủy Bắc”. Xe chạy gần 2 km nhưng chẳng thấy một ngôi nhà, cũng không một bóng người, hai bên đường toàn là cát trắng mênh mông, được điểm trên nó là những hàng thông chịu nắng, chịu gió, có lẽ chỉ có loài phi lao mới sống nổi trên mảnh đất này. Xe chạy chầm dần, phóng tầm mắt ra xa bắt đầu thấy các ngôi nhà nhỏ ẩn hiện chen lẫn giữa những cây phi lao, “Ngư Thủy Bắc” đây rồi.

Video đoàn từ thiện phát quà cho gia đình anh Nguyễn Tiến Sỹ

Chúng tôi xuống đi bộ, vừa đi vừa nghe anh cán bộ xã chia sẻ “Ở đây chỉ có cát và phi lao, bà con sống bằng nghề biển chú ạ, không nuôi trồng được chi hết, quanh năm bão lũ, nghề duy nhất là biển nhưng cũng bị ảnh hưởng của Formosa rồi”. Đang câu chuyện, anh dừng lại “đến nơi rồi chú ạ”. Hiện trước mắt tôi là một ngôi nhà chừng hơn 20m2, vài chiếc cột ở trước, đặc trưng của vùng biển nhiều gió bão. Bước qua cổng, một không gian vắng vẻ, cửa mở nhưng chẳng thấy một ai, chỉ có gió vi vu trên những ngọn thông quanh nhà, một cảm giác rất thanh bình nhưng trống trải. Tôi đi thẳng qua cửa nhìn vào chiếc giường cuối nhà, tôi thấy có một người đàn ông dáng vẻ yếu ớt, nhỏ bé đang cố gắng cúi đầu gật gật, dấu hiệu là anh chào chúng tôi. Anh không thể đứng dậy, lại gần hơn tôi giật mình “sởn gai ốc” khi nhìn vào tay, chân của anh, thì ra anh mắc một căn bệnh rất “quái ác”, nó từng ngày phân hủy cơ thể của anh. Mấy anh cán bộ xã giúp anh ngồi dậy để nhận quà của Đoàn, đôi mắt ngấn lệ của người đàn ông ấy rưng rưng nhìn chúng tôi, như muốn cám ơn nhưng không thành lời, tôi hiểu anh đang xúc động.

tin7

Nhưng tất cả những xúc cảm về lòng thương chưa dừng lại ở đó, anh cố gắng thì thào điều gì đó theo tôi hiểu “hãy cứu hoàn cảnh của tui” hoặc “hãy giúp anh”, tôi cứ nghĩ anh đang than về số phận bệnh tật của mình. Nhưng không phải, tôi thấy phía sau anh ngồi có đứa trẻ đang nằm như ngủ, anh cố gắng gạt cái chăn để lộ dần khuôn mặt của bé gái, thật thánh thiện và đáng yêu.

tin8

Em mở mắt nhìn chúng tôi rất chậm, chắc bé ngạc nhiên vì hôm nay nhà mình nhiều người đến thế. Tôi đang phân định cảm xúc thì bên tai có giọng nói của người hàng xóm “Cháu 8 tuổi rồi, bị viêm não đó, hôm ni đi viện TW Huế một tháng rồi lại về vì không còn tiền chạy chữa, khổ lắm”. Nước mắt của người cha bắt đầu tuôn rơi trong sự bất lực, anh còn có thể làm gì hơn được nữa. Cũng là một người bố, tôi thấu hiểu tình cảm của cha dành cho con gái bao la thế đến nhường nào. Lòng tôi như thắt lại, nghẹn ngào, sống mũi cay và không thể kìm nén được những dòng cảm xúc rơi xuống. Các sinh viên của tôi cũng không ngăn được dòng lệ. Bé ngơ ngác không hiểu tại sao lại nhiều người rơi nước mắt như vậy. Chúng tôi khóc vì thương bé, thương anh và thương cả cái miền cát trắng này. Tôi vội vã lấy những gì có trong túi của mình đưa cho anh, anh quay mặt vào trong nghẹn ngào, chúng tôi cũng không nói được lời nào. Ngôi nhà nhỏ của anh hôm nay đã trải qua tất cả các cung bậc của tình người, tình yêu thương, tình đồng bào và cả tình hữu nghị của các bạn Hàn Quốc. Sự ấm áp bắt đầu lan tỏa, ngoài sân các em sinh viên đã thả những con lợn giống và đàn gà “chiếp chiếp” mà Đoàn thiện nguyện mang đến tặng gia đình anh. Chuyến đi của chúng tôi có lẽ chưa dừng lại ở đây.

Dù rất muốn ở lại thêm, nhưng chúng tôi phải rời đi chuẩn bị cho chương trình văn nghệ buổi tối, cổ vũ tinh thần cho bà con. Chúng tôi bước đi mà lòng vẫn ở lại, cầu chúc những điều thần kỳ sẽ đến với bé “Hồng Hiếu” và gia đình anh.

Ánh nắng chiều cuối ngày vàng vọt qua khe của những rặng phi lao trên đồi cát trắng, gió vẫn rì rào thổi và chúng tôi tin rằng ngày mai bình minh sẽ lại lên trên biển Lệ Thủy.

Mọi sự giúp đỡ của các Thầy cô và sinh viên trong trường cũng như các tổ chức và cá nhân bên ngoài, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi hoặc trực tiếp theo địa chỉ của gia đình.

Nguyễn Tiến Sỹ, Thôn Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy, Quảng Bình

hoặc Đoàn TNCS HCM, Trường Đại học Nguyễn Trãi, số 36A, Phạm Văn Đồng,  Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0988.242.896

Trần Văn Tuyến