Giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thế nào?

16/01/2023
Thứ Hai, 06:00, 16/01/2023

Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.

Tăng cường mô hình giảng đường doanh nghiệp

Để giải quyết những bất cập trên, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là các trường đại học, trường nghề cần đẩy mạnh tương tác với doanh nghiệp để họ tham gia vào quá trình đào tạo, tăng cường mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp trong thiết kế các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường chất lượng của giáo dục đào tạo để phục vụ cho nhu cầu việc làm cũng như tương lai của các doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp cũng nên đóng vai trò linh hoạt hơn trong vấn đề đào tạo để giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, thực tế vẫn có một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, hoặc làm trái ngành nghề. Nguyên nhân chủ yếu do chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, tác phong làm việc của doanh nghiệp, những gì sinh viên học và thực tế làm việc vẫn còn một khoảng cách quá lớn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động thay đổi không ngừng, nhiều ngành nghề đang dần bị thay thế bằng máy móc, tự động hóa, AI nhưng cũng xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới. Điều này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường phải có những kỹ năng mới, kiến thức mang tính tích hợp, đa ngành.

“Nếu như trước đây các em học về CNTT chỉ cần biết về CNTT, thì nay các em cần biết thêm cả kiến thức về kinh tế, kinh doanh, có như vậy mới có thể viết ra các phần mềm phục vụ thương mại điện tử… Các em học về kinh tế cũng cần biết về công nghệ, kiến thức về khởi nghiệp… Chỉ khi sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì mới có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động. Tại ĐH Nguyễn Trãi, ngoài những môn học riêng theo từng chuyên ngành, nhà trường vẫn có những môn học chung để phát triển những kỹ năng mà bất cứ ngành nào cũng cần trong bối cảnh 4.0 như biết lập dự án, quản lý thời gian, khởi nghiệp… Sinh viên có quyền học thêm 5 môn học khác mà không cần đóng học phí ở những môn này.

Kết quả làm việc có xuất sắc hay không là do các em có biết tích hợp các môn học và phương pháp làm việc với nhau hay không. Để sinh viên có việc làm, quá trình đào tạo đại học cần đảm bảo trang bị những hành trang tiên quyết gồm ngôn ngữ, kỹ năng, tư duy sáng tạo và đặc biệt cần gắn kết với doanh nghiệp”, TS Nguyễn Tiến Luận nhấn mạnh.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo đại học, TS Nguyễn Tiến Luận cho rằng, các trường đại học dù đổi mới, nâng cao chất lượng đến đâu, nhưng nếu không gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp thì vẫn khó có thể thành công. Bởi không ai hiểu rõ doanh nghiệp cần gì bằng chính các doanh nghiệp. Do đó việc gắn kết, đẩy mạnh mô hình “giảng đường doanh nghiệp” là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo TS Nguyễn Tiến Luận, việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội thực tế tại doanh nghiệp, được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, đặc biệt các em cũng có thể có việc làm ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo lại nhân sự, có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

“Tại ĐH Nguyễn Trãi, chỉ sau 1 học kỳ, chúng tôi đã đưa sinh viên vào các doanh nghiệp để thực tế, tham quan, làm quen với môi trường, tác phong làm việc công sở. Kết quả cho thấy sinh viên không chỉ hiểu hơn về văn hóa môi trường doanh nghiệp mà còn hứng thú hơn trong quá trình học tập.