Trong hai ngày 30-31/3/2018 tại Trường Đại học Nguyễn Trãi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (VISTIP)- Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Trãi tiếp đón đoàn công tác là các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Singapore để thảo luận về việc thành lập Viện nghiên cứu quốc tế về công nghệ Laser và Quang học (IALOT).
Về phía Việt Nam có TS. Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch hội đồng quản trị & Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi, Ông Bùi Quý Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế, TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó giám đốc Trung tâm công nghệ Laser. Các chuyên gia đến từ Nhật Bản là TS.Osada – Chủ tịch công ty OPI; TS.Yatagai- giáo sư Trường đại học Utsunomiya, Nguyên chủ tịch Hiệp hội quang học quốc tế SPIE; các chuyên gia đến từ Singapore là TS. Wang – Giám đốc & sáng lập viên Công ty D’Optron và Ông Huang- quản lý thị trường quốc tế Công ty D’Optron thuộc Trường Đại học công nghệ Nanyang- Singapore.
Trong buổi làm việc đầu tiên 30/3, các chuyên gia đã có các bài trình bày về công nghệ laser và quang học; thị trường Laser và quang học và dự án thành lập Viện IALOT tại Trường Đại học Nguyễn Trãi. Mở đầu chương trình, bà Phạm Thùy Trang – Trường Đại học Nguyễn Trãi trình bày tổng quan về Trường Đại học Nguyễn Trãi và dự án thành lập Viện nghiên cứu quốc tế về công nghệ Laser và Quang học (IALOT); TS. Nguyễn Tuấn Anh trình bày tổng quan về thị trường Laser và Quang học ở Việt Nam; Ông Bùi Qúy Long có bài trình bày về môi trường đầu tư khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Tiếp đó, TS. Yatagai trình bày về Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Quang học của Trường Đại học Utsunomiya, Nhật Bản. Kết thúc buổi làm việc, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau thăm quan dự án xây dựng trụ sở mới của Trường Đại học Nguyễn Trãi trên khu đất thuộc Quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Ngày 31/3, tiếp tục buổi làm việc về dự án thành lập Viện nghiên cứu quốc tế về công nghệ Laser và Quang học (IALOT), TS. Wang và Ông Huang đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và phát triển công nghệ Laser và Quang học của Công ty D’Optron thuộc Trường Đại học công nghệ Nanyang- Singapore cũng như đề xuất một số cơ hội hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Trãi, IALOT.TS. Osada với tư cách là chuyên gia tư vấn thành lập IALOT cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm thành lập và phát triển công ty OPI và một số đề xuất hướng phát triển của IALOT. Cuối cùng, các chuyên gia cùng nhau thảo luận về tên và định hướng hoạt động của IALOT dựa trên kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong lĩnh vực Laser và Quang học.
Thông qua hai ngày làm việc tập trung, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý tưởng quý báu cho định hướng thành lập và hoạt động của Viện nghiên cứu quốc tế về công nghệ Laser và Quang học (IALOT).