Top 10 ngành nghề “Hot” nhất tại Việt Nam!

08/03/2022

“Chọn ngành, chọn nghề” vẫn luôn là bài toán khó đối với các em học sinh sắp bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cho bản thân mình một nghề nghiệp phù hợp, hãy cùng NTU điểm qua những ngành nghề hot nhất hiện nay ở nước ta nhé!

Công nghệ thông tin – nghề mũi nhọn

Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành kinh tế mang tính mũi nhọn của Việt Nam hiện nay và tương lai. Những khu công nghệ cao- “thung lũng” công nghệ cao ở Việt Nam ra đời, gặt hái bước đầu thành công trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Việt Nam cũng lọt top những quốc gia đầu tiên triển khai 5G trên toàn thế giới.

Những dấu hiệu đáng mừng nói trên khiến ta hoàn toàn có quyền tự tin vào triển vọng ngành CNTT tại Việt Nam. Thị trường lao động nước ngoài cũng cần nhiều nhân tài CNTT. Trong khi đó, hiện nay, nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành CNTT còn chưa nhiều.

Hiện nay, nhu cầu nhân lực cho ngành cần khoảng 80.000 người/năm (theo Báo tuổi trẻ). Trong khi hàng năm, số sinh viên ra trường chỉ khoảng 32.000 người. Hơn nữa, chỉ khoảng 15% số sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu. Với lý do đó, CNTT sẽ dẫn đầu xu hướng trở thành ngành nghề hot nhất trong tương lai.

Theo số liệu báo cáo nhu cầu về nguồn nhân lực ICT Việt Nam gần đây nổi lên như là một cường quốc về gia công và phát triển công nghệ thu hút những tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam như: Intel, Samsung, Toshiba, Foxconn, Bosch, Sony, Cisco, NEC, Fujitsu,… Tại Việt Nam ngày càng có nhiều công ty và tập đoàn công nghệ được mở ra. Trong đó các công ty outsourcing cũng tăng lên và phát triển đáng kể.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Chịu được áp lực công việc cao.
  • Khả năng áp dụng các kiến thức đã học và không ngừng phát triển.
  • Có kiến thức sâu rộng về kinh tế – xã hội và các lĩnh vực bổ trợ như nông nghiệp, giáo dục, y tế, thương mại,…
  • Khả năng sáng tạo và tư duy khoa học.
  • Khả năng nhạy bén và thích ứng với sự thay đổi của thế giới.
  • Khả năng ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc

Quản trị kinh doanh

Quản trị kinh doanh luôn được đánh giá là một trong những ngành hot và năng động nhất trong hiện tại và tương lai. Số doanh nghiệp tại Việt Nam không ngừng tăng nhanh. Điều đó dẫn đến nhu cầu về đội ngũ nhân lực quản trị cũng tăng lên. Thêm vào đó, thu nhập khủng cũng là thứ khiến ngành được nhiều người lựa chọn.

Một điều đặc biệt là những người theo học Quản trị kinh doanh còn có cơ hội làm việc trong các ngành khác. Ví dụ như lĩnh vực tài chính, marketing, quản lý nhân sự, quản trị văn phòng,… Đó là cơ hội làm việc trái ngành tuyệt vời dành cho bạn.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Nắm vững những quy luật của thị trường và xu hướng của thế giới.
  • Khả năng lãnh đạo và thuyết phục người khác
  • Kỹ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông.
  • Nhạy bén, có khả năng lường trước những tình huống có thể xảy ra và có phương án giải quyết phù hợp.
  • Khả năng xây dựng kế hoạch.
  • Đôi lúc, cần có sự lắng nghe và thấu hiểu.

Nhóm ngành ngôn ngữ

Quá trình toàn cầu hóa đặt ra cho các ngành ngôn ngữ một vị thế quan trọng. Nhất là ngôn ngữ Anh, thứ ngôn ngữ của giao tiếp toàn cầu, của khoa học, nghệ thuật. Đó là lý do ngành này sẽ trở thành một trong những nghề hot nhất trong tương lai.

Tuy nhiên, các sinh viên ngành ngôn ngữ cũng đang gặp nhiều bất lợi khi sinh viên trái ngành có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ càng nhiều. Trong khi bản thân họ cũng có chuyên môn vững chắc, lại hoàn toàn có thể thay thế những người học chuyên ngôn ngữ.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Khả năng sử dụng ngôn ngữ thích hợp trong từng hoàn cảnh.
  • Khả năng giao tiếp tốt.
  • Khả năng “cập nhật” ngôn ngữ: Do bản thân ngôn ngữ không ngừng thay đổi. Trung bình, trên thế giới, cứ mỗi phút có 100 từ bị mất đi và thay thế. Vì vậy, bạn cần không ngừng cập nhật lại kho từ vựng.
  • Để cạnh tranh với các sinh viên trái ngành, bạn cần có một chuyên môn phụ hoặc vốn hiểu biết sâu về một lĩnh vực nào đó.

Digital Marketing – sẽ dẫn đầu xu hướng

Internet đã mở ra cho ngành Marketing một cách thức tiếp thị mới. Đó là ngành Marketing “số” hay còn gọi là Digital Marketing. Có thể nói, không có doanh nghiệp nào có thể phát triển nếu không có chiến lược Digital Marketing đúng đắn. Đó là lý do những nhà tiếp thị thời 4.0 này đang được các công ty săn đón.

Theo dự báo của trung tâm nhân lực TP. Hồ Chí Mình, chỉ riêng tại thành phố này, nhu cầu nhân lực ngành Marketing là 10.000 người/năm. Ngành cũng luôn nằm trong top 6 những ngành hot nhất trong hiện tại và tương lai.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Khả năng đề ra các chiến lược và kế hoạch phát tiếp thị cho các doanh nghiệp.
  • Khả năng giao tiếp và thuyết phục người khác
  • Khả năng sáng tạo không ngừng và đột phá các giới hạn của bản thân.
  • Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.
  • Khả năng nắm bắt các xu hướng của đời sống kinh tế – xã hội.

Ngành xây dựng

Việt Nam đang tiến vào bảng xếp hạng 3 quốc gia có ngành xây dựng phát triển nhanh nhất tại châu Á. Những tòa nhà chọc trời không ngừng mọc lên. Những đại lộ đồ sộ, hùng vĩ. Vẻ đẹp hiện đại, năng động của Việt Nam đang chờ một nguồn nhân lực lớn thuộc ngành xây dựng.

Theo báo cáo năm 2019, hiện đang có khoảng 4 triệu lao động thuộc ngành xây dựng. Nhu cầu nhân lực tăng lên chóng mặt với khoảng 400.000 – 500.000 người/năm. Trong đó, các kỹ sư với chuyên môn kỹ thuật cao đang vô cùng thiếu thốn. Đây sẽ là cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời cho các bạn trẻ trong tương lai.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Sự cẩn thận và trách nhiệm tuyệt đối.
  • Khả năng làm việc nhóm.
  • Khả năng chịu áp lực công việc cao.
  • Khả năng sáng tạo trong thiết kế.
  • Hiểu biết về văn hóa.
  • Trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật cao.

Ngành công nghệ thực phẩm

Đứng thứ 6 trong các nghề đắt giá nhất trong tương lai là ngành công nghệ thực phẩm. Đây là ngành có tính ứng dụng cao nhất và phạm vi ứng dụng đa dạng nhất trong tất cả các nghề hot hiện nay.

Đặc biệt, theo nhu cầu của xã hội, các sản phẩm thực phẩm sạch ngày càng được săn đón. Đây là cơ hội cho lĩnh vực chế biến thực phẩm công nghệ cao có khả năng phát triển. Thu nhập của ngành này cũng luôn nằm trong top cao nhất.

Các lĩnh vực không có yêu cầu chung cho tất cả ngành công nghệ thực phẩm, do những lĩnh vực của ngành này rất đa dạng, bao gồm:

  • Nhân viên kiểm định chất lượng (QA)
  • Nhân viên kiểm soát chất lượng nguyên liệu (QC)
  • Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D)
  • Kỹ sư công nghệ thực phẩm
  • Kỹ sư sản xuất
  • Chuyên gia dinh dưỡng
  • Kỹ thuật viên sản xuất
  • Nhân viên phòng thí nghiệm
  • Nhân viên bộ phận thu mua
  • Nhân viên vận hành máy
  • Giám sát viên sản xuất

Ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn

Việt Nam hiện nay đã lọt top 10 quốc gia du lịch được yêu thích nhất. Với doanh thu du lịch ngày càng tăng, đây sẽ là ngành nghề cần nhiều nhân lực trong tương lai.

Theo báo cáo, mỗi năm Việt Nam cần trên 21.000 nhân lực cho ngành du lịch. Nhất là nhân viên du lịch có khả năng ngoại ngữ và giao tiếp tốt. Trong khi đó, lực lượng nhân lực quản trị khách sạn của Việt Nam còn yếu kém. Nhiều khách sạn vẫn phải thuê quản trị từ nước ngoài. Nếu bạn tự tin với năng lực của mình, đây sẽ là cơ hội thăng tiến dành cho bạn.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Có thể đi nhiều, chịu áp lực công việc
  • Khả năng giao tiếp tốt, nhất là giao tiếp bằng ngoại ngữ.
  • Thân thiện, dễ gần.
  • Năng động, sáng tạo.
  • Hiểu biết sâu rộng về văn hóa thế giới, Việt Nam và các điểm đến du lịch.

Ngành điện – cơ khí

Xã hội hiện đại không thể thiếu vắng các thiết bị điện – cơ khí. Đó là lý do ngành này trở thành một trong những ngành triển vọng nhất trong tương lai. Hàng năm, mỗi năm ngành điện – cơ khí thiếu khoảng 8.000 nhân lực. Tổng nguồn nhân lực của ngành tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay là 57.000 người.

Khác với các ngành khác, ngay từ khi đào tạo, các trường đại học đã có chương trình vừa học vừa làm, hoặc ký kết liên kết nhân lực với các doanh nghiệp. Vì vậy, rất hiếm các sinh viên cơ khí – điện ra trường thất nghiệp. Yêu cầu đối với nghề cũng không cao.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Sự cẩn thận và trách nhiệm tuyệt đối.
  • Khả năng làm việc nhóm.
  • Khả năng chịu áp lực công việc cao.
  • Khả năng sáng tạo trong thiết kế.
  • Hiểu biết về văn hóa.
  • Trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật cao.

Ngành tâm lý học

Xã hội hiện đại đặt ra nhiều áp lực lên con người. Do đó, ngành tư vấn tâm lý xã hội đang trở thành một trong những nghề mới và hot nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm đang thiếu 1000 nhân lực của ngành này.

Đồng thời, những người theo ngành tư vấn tâm lý xã hội có thể làm các nghề tay trái khác. Ví dụ như: giảng viên, nghiên cứu khoa học, chuyên viên tư vấn tâm lý, chuyên viên trị liệu,… Mức lương và đãi ngộ của ngành cũng rất đáng mơ ước.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Nắm bắt tâm lý con người và các nhân tố ảnh hưởng đến tâm lý con người.
  • Khả năng lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu.
  • Kỹ năng giao tiếp.

Ngành giáo dục & đào tạo

Thật bất ngờ khi ngành Giáo dục lọt top những nghề hot nhất trong tương lai. Trong khi Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thừa giáo viên sư phạm truyền thống thì dạy học và đào tạo trực tuyến đang ngày càng phát triển và nhu cầu tăng rất cao.

Ngành giáo dục sẽ không bao giờ bị thất thế. Với sự chuyển mình và kết hợp công nghệ vào trong giảng dạy thì ngành này vẫn đang vô cùng thiếu giáo viên, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Những người có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, có kiến thức khoa học chắc chắn và phương pháp dạy học tiến bộ, truyền cảm.

Yêu cầu năng lực, phẩm chất:

  • Sự kiên trì và nhẫn nại là một trong những yếu tố hàng đầu.
  • Không ngừng hoàn thiện bản thân để “làm gương” cho học sinh.
  • Biết đồng cảm, lắng nghe và sẻ chia.
  • Khả năng giao tiếp và liên kết xã hội tốt.
  • Khả năng sáng tạo, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học.
  • Vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, hiểu biết sâu rộng về đời sống, kinh tế, chính trị.

Những ngành nghề kể trên đều là những ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn mỗi năm và là những nghề quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà. Chính vì điều đó mà chúng luôn có một sức hấp dẫn nhất định với các bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu cao cũng kèm với nhiều áp lực, song bên cạnh đó nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được về mặt số lượng cũng như chất lượng, trình độ chuyên môn, cần phải học hỏi và trau dồi thêm nhiều trong quá trình học tập và làm việc sau này.